Khác với dòng thang máy cáp kéo thông thường, thang máy gia đình chân không hiện nay vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nói thang máy công nghệ chân không là một loại thang máy hiện đại và khá được ưa chuộng ở nước ngoài. Vậy thang máy chân không có đặc điểm gì? Có nên mua thang máy gia đình chân không hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp quý khách hàng trả lời những câu hỏi này.
1. Thang máy chân không là gì?
Thang máy chân không khác biệt với những dòng thang máy khác ở công nghệ truyền động. Hiện nay có 4 loại công nghệ thang máy phổ biến là công nghệ thang máy cáp kéo, thang máy thủy lực, thang máy trục vít và cuối cùng là thang máy công nghệ chân không. Khác với những dòng thang máy này, thang máy chân không (hay còn gọi là vacuum elevator) là loại thang máy hoạt động dựa trên sự chênh lệch áp suất không khí giữa phần trên và phần dưới cabin. Do đó, thang có thể nhẹ nhàng di chuyển lên xuống mà không cần đến sự trợ giúp từ cáp kéo, trục vít hay lực đẩy thủy lực.
Thang máy chân không có hình trụ tròn, sử dụng vật liệu kính cường lực trong suốt, có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, dòng thang này bị hạn chế về tải trọng và chiều cao nên chỉ được ứng dụng trong thang máy gia đình và thường được gọi là thang máy gia đình chân không.
2. Cấu tạo thang máy gia đình chân không
Một hệ thống thang máy gia đình chân không bao gồm 3 bộ phận chính sau đây:
Khung chịu lực:
Phần khung chịu lực trong suốt hình trụ, được xây bằng một hệ thống kết cấu nhôm được thiết kế đặc biệt. Thành khung được làm bằng tấm polycarbonate được uốn cong. Kết cấu polycarbonate trong suốt như kính, có khả năng cách âm tốt, độ bền cao hơn kính gấp 280 lần, đồng thời còn có thể chống cháy và ngăn được tia cực tím. Nắp của khung được làm bằng thép, là nơi chứa các van hút và van kiểm soát khí vào. Nắp khung luôn phải đảm bảo kín khí. Hệ thống khung thang máy chân không này sẽ được sẽ được chế tạo thành từng phần để dễ dàng cho việc vận chuyển và lắp ghép.
Phần khung thang ở dưới cùng còn được đục lỗ để không khí tự nhiên ra vào tự do, đảm bảo bên dưới cabin luôn là áp suất khí quyển.
Cabin:
Thang máy gia đình chân không có phần cabin hình trụ, đồng tâm di chuyển trong khung chịu lực, dọc theo cột, là kết cấu chịu lực của kệ khung hình trụ. Thành cabin cũng được làm từ tấm polycarbonate uốn cong và trong suốt. Mỗi cabin đều được trang bị hệ thống neo cơ học với vai trò kích hoạt để giữ cabin cố định khi thang tới điểm dừng, đảm bảo cabin dừng chính xác và êm ái tại nơi gọi thang.
Cabin giống như một piston, bên trên có một roăng kín khí bao bọc xung quanh giúp cho cabin di chuyển lên trên trơn tru, hầu như không có ma sát. Ở mỗi cửa tầng cũng có roăng kín khí và lực ép tự nhiên do chênh lệch áp suất sẽ càng ép cửa đóng chặt hơn.
Hộp động cơ:
Hộp động cơ của thang máy gia đình chân không (hay còn gọi là Head Unit) được đặt ở trên nóc của khung thang hoặc đặt tách rời qua ống nối dài tối đa 10m. Bên trong hộp động cơ có các động cơ tua bin hút khí, van khí và bộ điều khiển. Hộp điều khiển là một hộp kim loại, có bảng mạch điều khiển và các thiết bị điện tử khác bên trong.
3. Nguyên lý hoạt động của thang máy gia đình chân không
Nguyên lý hoạt động cơ bản của thang máy công nghệ chân không là ứng dụng lực hút không khí khiến cabin di chuyển lên xuống bên trong khung thang máy. Trên cùng của khung thang có động cơ tua bin dùng để hút không khí ra ngoài nhằm tạo ra chân không. Chênh lệch giữa áp suất chân không ở bên trên cabin với áp suất khí quyển tự nhiên ở dưới cabin tạo ra lực đẩy cabin lên trên (lúc này áp suất phía trên cabin giảm xuống, áp suất bên dưới cabin cao hơn.
Ngược lại, khi muốn cabin đi xuống, máy bơm sẽ lại hoạt động để vùng áp suất bên dưới nhỏ hơn vùng áp suất bên trên cabin, tạo lực đưa thang máy chạy dọc xuống tầng phía dưới. Một van khí được thiết kế để kiểm soát dòng không khí bị hút vào bên trong nhằm kiểm soát tốc độ chuyển của thang, để thang đi xuống một cách từ từ. Khi thang di chuyển xuống với tốc độ cao, hệ thống phanh khẩn cấp sẽ lập tức kích hoạt để dừng thang máy, tránh tai nạn có thể xảy ra.
4. Các kích thước thang máy gia đình chân không
Thang máy công nghệ chân không có kích thước nhỏ gọn, phù hợp với những công trình có diện tích hạn chế hoặc nhu cầu di chuyển không cao. Loại thang máy chân không nhỏ nhất có tải trọng chỉ 160kg với đường kính ngoài 760mm. Ngoài ra còn có các loại thang máy gia đình chân không 205kg, 240kg.
Kích thước thang máy chân không 160kg siêu nhỏ gọn, dành cho 1-2 người lớn:
– Đường kính ngoài: 760mm
– Đường kính trong: 520mm
– Chiều cao trong cabin: 2000mm
– Chiều rộng cửa: 520mm
– Tốc độ: 9m/p
– Số điểm dừng: 2 – 5 điểm dừng
Kích thước thang máy công nghệ chân không tải trọng 205kg, dành cho 2-3 người/hành trình:
– Đường kính ngoài: 940mm
– Đường kính trong: 810mm
– Chiều cao trong cabin: 1960mm
– Chiều rộng cửa: 530mm
– Tốc độ: 9m/p
– Số điểm dừng: 2 – 5 điểm dừng
Kích thước thang máy chân không tải trọng 240kg, dành cho khoảng 3 người lớn:
– Đường kính ngoài: 1340mm
– Đường kính trong: 1100mm
– Chiều cao trong cabin: 2000mm
– Chiều rộng cửa: 810mm
– Tốc độ: 6m/p
– Số điểm dừng: 2 – 5 điểm dừng
5. Ưu điểm và nhược điểm của thang máy gia đình chân không
Thang máy chân không có nhiều lợi thế mà không phải dòng thang máy nào cũng có được:
– Kết cấu đơn giản, lắp đặt dễ dàng, chỉ mất 2-3 ngày để hoàn thiện. Như đã nói ở trên, thang máy công nghệ chân không được chế tạo từ các khối rời đồng bộ với nhau nên việc di chuyển và lắp đặt vô cùng nhanh chóng, dễ dàng.
– Kích thước nhỏ gọn, không yêu cầu xây giếng thang, đào hố pit hay phòng máy. Tất cả những gì chúng ta cần là đục một lỗ xuyên sàn nhà hoặc gắn cạnh ban công. Điều này không làm ảnh hưởng đến kết cấu chính của công trình, cực kỳ phù hợp cho những ngôi nhà cải tạo.
– Hoạt động êm ái: áp dụng công nghệ chân không giúp cho thang máy hoạt động nhẹ nhàng, khởi hành và dừng vô cùng êm ái.
– Kết cấu vững chắc, an toàn tuyệt đối: trường hợp mất điện, cabin thang máy sẽ tự động hạ xuống tầng dừng thấp nhất và cửa điện-cơ sẽ mở để người dùng thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, mạch điện trong cabin thang máy gia đình chân không là 24V, loại bỏ rủi ro bị giật điện.
– Tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường: nhờ tận dụng nguyên lý trọng lực tự nhiên nên thang máy chân không không tiêu tốn điện năng khi thang đi xuống.
– Thiết kế đẹp mắt, tính thẩm mỹ cao: thang trong suốt, cho tầm nhìn 360 độ cực thích. Với thiết kế trụ tròn đẹp mắt, sự sang trọng đến từ chất liệu, thang máy chân không còn góp phần gia tăng giá trị cho ngôi nhà của bạn.
– Không yêu cầu bảo trì thường xuyên: khác với các dòng thang máy khác, thang máy gia đình công nghệ chân không không cần phải bôi trơn hay bảo trì thường xuyên. Chỉ cần kiểm tra sau mỗi 15.000 lượt nâng tương đương với khoảng 5 năm sử dụng.
Bên cạnh rất nhiều ưu điểm vượt trội đó, thang máy chân không lại có một số nhược điểm khiến người dùng Việt Nam băn khoăn có nên mua thang máy gia đình chân không hay không:
– Giá thành cao: mặc dù thang máy gia đình chân không không tốn nhiều kinh phí xây dựng nhưng giá một chiếc thang máy công nghệ này dao động từ 1 tỷ tới vài tỷ đồng, cao hơn nhiều so với thang máy truyền thống.
– Tốc độ di chuyển chậm: với tốc độ chỉ khoảng 6m/p – 9m/p, rõ ràng tốc độ di chuyển của thang máy gia đình chân không không thể sánh bằng các dòng thang máy khác.
– Hạn chế về tải trọng và điểm dừng: do bị hạn chế bởi tải trọng và điểm dừng (số điểm dừng tối đa là 5) nên thang máy chân không chỉ được ứng dụng trong các công trình nhỏ, không thể sử dụng cho những tòa nhà cao tầng.
– Với những ai sử dụng không quen thì thang trụ tròn trong suốt có thể gây cảm giác chóng mặt cho người dùng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về sản phẩm thang máy gia đình chân không cũng như ưu – nhược điểm của dòng thang máy này. Việc có nên mua thang máy chân không hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của công trình cũng như nhu cầu, ngân sách của mỗi người. Thang máy Trường Thành hy vọng thông qua bài viết này, quý khách hàng có thêm cho mình một sự lựa chọn về công nghệ thang máy bên cạnh thang máy trục vít truyền thống. Cần tư vấn thêm để chọn thang máy phù hợp, quý khách hàng vui lòng liên hệ với Trường Thành thông qua hotline 0972 213 220 nhé!
Xem thêm:
>> Thang máy cáp kéo là gì? Tại sao thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay?
>> Những thông tin về thang máy trục vít bạn không nên bỏ lỡ