Ngày này, tất cả sản phẩm thang máy tải khách đều được yêu cầu bố trí đầy đủ hệ thống cứu hộ tự động để phòng tránh rủi ro khi thang máy bị mất nguồn cung điện đột ngột. Chức năng cứu hộ tự động sẽ giúp cabin di chuyển đến tầng dừng gần nhất và mở cửa cho hành khách thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít sự việc thang máy bị kẹt do mất điện, gây tâm lý hoang mang và rủi ro mất an toàn cho người sử dụng. Vậy làm gì để phòng tránh rủi ro này?
Những vụ việc kẹt thang máy do mất điện xảy ra gần đây
Sự cố kẹt thang máy do mất điện đang trở thành vấn đề nóng trong thời gian này, ảnh hưởng một phần bởi vấn đề thiếu nguồn cung điện trên khắp cả nước. Trong những khung thời gian cao điểm về cung ứng điện, nhiều địa phương bắt buộc phải cắt giảm điện một số khu vực nhằm đảm bảo an toàn vận hành lưới điện.
Gần đây nhất vào ngày 08/06/2023, tại tòa nhà Keangnam Lanmark 72 (Hà Nội) đã xảy ra mất điện đột ngột. Sự cố này khiến cho thang máy của tòa nhà đang di chuyển thì dừng lơ lửng cách sàn tầng 17 khoảng hơn nửa mét khiến nhiều người mắc kẹt bên trong. Sau đó, đội kỹ thuật tòa nhà đã kịp thời xử lý và đưa toàn bộ hành khách ra ngoài an toàn.

Tháng 6 cũng ghi nhận nhiều ca khác liên quan đến sự cố kẹt thang máy do mất điện đột ngột xảy ra trong các thang máy gia đình, thang máy khách sạn, thang máy tòa nhà văn phòng, thang máy chung cư ở một số nơi tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An…
Làm gì để phòng tránh kẹt thang máy do mất điện đột ngột?
1. Đảm bảo hệ thống cứu hộ tự động luôn sẵn sàng hoạt động
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thang máy bị kẹt do cúp điện này chủ yếu nằm ở vấn đề kỹ thuật. Cụ thể là tính năng cứu hộ tự động của thang máy đã gặp trục trặc (hỏng hóc, không đủ nguồn điện dự phòng…). Do đó, để phòng tránh rủi ro kẹt thang máy, dù là thang máy gia đình hay thang máy tòa cao tầng, việc đảm bảo hệ thống cứu hộ tự động luôn sẵn sàng hoạt động là điều bắt buộc.
– Người sử dụng, chủ sở hữu cần yêu cầu thử nghiệm hệ thống cứu hộ tự động này trong tình huống mất điện đột ngột.
– Cần bảo trì thang máy định kỳ. Trong công tác bảo trì, kỹ thuật viên cần chủ động thử nghiệm hệ thống cứu hộ tự động một cách cẩn thận.

– Kiểm định viên cũng bắt buộc phải thử nghiệm các tình huống giả lập các sự cố có thể xảy ra.
Việc thử nghiệm này không chỉ đảm bảo chức năng cứu hộ tự động luôn sẵn sàng hoạt động mà còn kiểm tra các thiết bị khác. Ví dụ như hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp, quạt thông gió cần hoạt động kịp thời khi mất điện để tránh hành khách rơi vào trạng thái hoảng sợ.
2. Trang bị thêm tính năng cứu hộ
Ngoài ra, người sử dụng hay chủ sở hữu có thể cân nhắc trang bị thêm các tính năng cứu hộ khác như:
– Tính năng cuộc gọi khẩn cấp Emcall: ngoài việc đảm bảo điện thoại nội bộ luôn sẵn sàng, chúng ta có thể trang bị thêm tính năng Emcall này để ngay lập tức báo lỗi kỹ thuật về Trung tâm dịch vụ và chức năng liên hệ khẩn cấp (lần lượt gọi đến 5 số điện thoại bao gồm trung tấm cứu hộ và người thân).

– Trang bị thêm hệ thống cứu hộ chủ động SRS (Self Rescue System) trong trường hợp sử dụng thang máy thủy lực.
– Lắp đặt thêm thiết bị cảnh báo khi nguồn điện dự phòng của hệ thống cứu hộ tự động không đảm bảo. Thiết bị này sẽ phát ra cảnh báo trong trường hợp phát hiện nguồn điện dự phòng xuống dưới mức có thể kích hoạt hệ thống cứu hộ tự động để người dùng chủ động bổ sung năng lượng cho nguồn điện dự phòng.
3. Lưu ý lịch cắt điện
Để đảm bảo an toàn trong mùa nắng nóng cao điểm như hiện nay, các gia đình có lắp đặt thang máy cần đặc biệt lưu ý thông báo cắt điện theo khu vực. Nếu dự phòng được các khoảng thời gian có khả năng cắt điện thì nên tạm thời không sử dụng thang máy vào thời gian đó.
Trường hợp không muốn vấn đề di chuyển bị gián đoạn, gia chủ có thể xem xét trang bị thêm máy phát điện hoặc nguồn dự trữ điện dự phòng khác. Để thang máy có thể linh hoạt chuyển đổi từ nguồn điện lưới sang nguồn điện dự phòng, cần lắp đặt thêm thiết bị chuyển đổi nguồn điện ATS (Automatic Transfer Switch).
Trên đây là một số lưu ý giúp phòng tránh kẹt thang máy do mất điện đột ngột. Ngoài ra, để phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra do kẹt thang máy, cần chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật viên cứu hộ. Khi cứu hộ phải đưa được sàn cabin về vùng mở cửa an toàn (bằng tầng hoặc cao/ thấp hơn sàn tầng không quá 0.2m) cùng việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật khác để vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người vừa hạn chế tác động hư hỏng tới thang máy.
>>> Xem thêm:
Đang đi thang máy thì bị mất điện có sao không?