Biến động nền kinh tế toàn cầu, suy thoái kinh tế đã, đang và sẽ có tác động nhiều chiều tới nền kinh tế Việt Nam nói riêng và sự phát triển ngành thang máy nói chung. Vậy đâu là thách thức, đâu là cơ hội, và cần làm gì để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội?
1. Thực trạng kinh tế toàn cầu
Nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch, chiến tranh. Hai năm diễn ra đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới, làm đảo lộn kế hoạch phát triển kinh tế của các quốc gia lớn nhỏ, tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động của Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu là không tránh khỏi
Tiếp đó, chiến tranh giữa Nga và Ukraina kéo theo phản ứng của nhiều quốc gia khác cũng đã, đang và sẽ ảnh hưởng theo nhiều khía cạnh tới nền kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng lớn tới tâm lý của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lạm phát dẫn đến suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi vào năm 2023 và có thể là những năm sau đó. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trường ngành xây dựng và thị trường bất động sản sẽ không tránh khỏi sụt giảm, kéo theo những tác động xấu tới lĩnh vực sản xuất, lặp đặt, dịch vụ thang máy.
2. Thực trạng ngành thang máy Việt Nam – thách thức hay cơ hội?
Tại Việt Nam, từ nửa cuối năm 2021 tới nay, thị trường bất động sản đã giảm nhiệt đáng kể, cung nhiều hơn cầu. Theo số liệu của Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 10 năm 2021, tại nước ta có 250.000 thang máy đang được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sản lượng thang máy sẽ sụt giảm khoảng 30% trong năm 2023. Hơn thế, tình hình khó khăn này rất có thể sẽ kéo dài sang năm 2024.
Bên cạnh đó, vấn đề nứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành thang máy Việt Nam. Cũng theo số liệu của Cục An toàn Lao động, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên 1,7 triệu thiết bị phục vụ sản xuất, lắp ráp thang máy trong nước, sản lượng thang máy nhập khẩu rơi vào khoảng 6000 chiếc, sản lưởng thang máy lắp ráp trong nước khoảng 25.000 thang. Do vậy, việc nứt gãy chuỗi cung ứng ngành thang máy chắc chắn sẽ gây ra tác động lớn tới việc nhập khẩu và sản xuất trong nước, dẫn đến những biến động về sản lượng và giá thành.
Ngành thang máy Việt Nam sẽ bị tác động bởi chuỗi cung ứng toàn cầu
Xét về năng lực ngành, tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thang máy và 1.500 tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến thang máy. Tuy nhiên, thực trạng ngành thang máy Việt Nam hiện nay đang còn tồn tại nhiều vấn đề như thiếu tính cạnh tranh, đội ngũ nhân lực còn non trẻ, chưa chú trọng đào tạo, việc chuyển giao khoa học và công nghệ phụ trợ còn yếu kém, vấn đề hàng giả – hàng nhái – hàng kém chất lượng, thiếu quy chuẩn về an toàn, tiêu chuẩn nguồn nhân lực…
Mặc dù năm 2023 đưa ra nhiều thách thức to lớn cho ngành thang máy Việt Nam, các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều cơ hội để ngành vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển bền vững.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xung đột Nga – Ukaina tuy gây nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội khi nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển dịch chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư sang những khu vực an toàn hơn như Đông Nam Á. Với tình hình chính trị ổn định, kinh tế chung đang trên đà phát triển, môi trường đầu tư được khuyến khích, Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến phù hợp cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, mặc dù ngành xây dựng, thị trường bất động sản đang chững lại thời điểm gần đây nhưng xét về dài hạn, đô thị hóa là xu hướng tất yếu đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với sự phát triển của các đô thị, tòa nhà cao tầng, ngành thang máy chắc chắn sẽ đạt được sự tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, xu hướng xây dựng shophouse, biệt thự sang trọng đang ngày một nhiều, kéo theo nhu cầu về các sản phẩm thang máy gia đình, thang máy biệt thự, thang kính cao cấp với thiết kế sang trọng, tích hợp công nghệ cao. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia thang máy của Trường Thành nhận định: bên cạnh yếu tố kích thước, công nghệ, chi phí, sự an toàn, khách hàng hiện nay có nhu cầu nhiều về phân khúc thang máy cao cấp. Ngoài ra, họ còn rất quan tâm đến uy tín doanh nghiệp và trình độ của đội ngũ lắp đặt – bảo trì – bảo dưỡng thang máy.
Nhu cầu về biệt thự hạng sang ngày càng tăng cao
3. Ngành thang máy Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội?
Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu và đưa vào vận hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn cho thang máy; thúc đẩy thành lập cơ sở thử nghiệm an toàn thang máy tại Việt Nam; hướng dẫn chuẩn hóa quy trình chứng nhận hợp quy cho sản phẩm thang máy; nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm định sao cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành thang máy bằng việc ban hành tiêu chuẩn nghề, đưa nghề kỹ thuật thang máy vào danh mục đào tạo. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp thang máy cũng cần tăng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào, chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nhằm củng cố chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Thứ ba, cần có sự bảo hộ sản xuất trong nước, xây dựng các hàng rào phi thuế quan, bảo vệ người tiêu dùng nội địa nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cùng với đó, các doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ nghiệp ngặt quy định về chuyển giao công nghệ, chất lượng linh kiện thang máy, thiết bị thang máy nhập khẩu.
Thứ tư, cần xúc tiến thương mại, kết nối trong và ngoài nước để các doanh nghiệp thang máy Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Để ngành thang máy Việt Nam có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, rất cần có sự liên minh giữa các cơ quan ban ngành và chính bản thân doanh nghiệp. Có thế, ngành thang máy mới phát huy được hết tiềm năng, lột xác phát triển và tự tin cạnh tranh.